Từ ngày 15-10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Số/Ký hiệu | 98/2020/NĐ-CP |
Ngày ban hành | 26/08/2020 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2020 |
Người ký | Nguyễn Xuân Phúc |
Trích yếu | Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Cơ quan ban hành | Chính phủ |
Phân loại | Nghị định |
Theo đó, nếu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ sẽ bị phạt lên tới 200 triệu đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ một đoạn ngắn trên đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận), Trần Quang Diệu (quận 3)… đã có gần chục cửa hàng chuyên doanh hàng xách tay như quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, thực phẩm… Các cửa hàng công khai trưng bảng hiệu: “hàng Mỹ xách tay”, “hàng chính hãng xách tay”, “mỹ phẩm Nhật nội địa”… Một cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), nhân viên giới thiệu với chúng tôi hàng loạt nước hoa, son môi… vừa mới “xách tay về”. “Bên em thường có bạn bè, người thân ở nước ngoài, mỗi lần về Việt Nam thường hay đem theo một vài chai nước hoa, thỏi son môi… Do đó sản phẩm bên em tuy giá có cao hơn một chút nhưng rất bảo đảm” – nhân viên cho biết. Khi đặt vấn đề cần mua son môi cùng hãng với số lượng lớn, nhân viên cho hay đang có sẵn hàng, khách cần bao nhiêu cũng có (?!). Khảo sát một số cửa hàng kinh doanh hàng xách tay, giá các sản phẩm thường được người bán “bao giá” vì theo họ, đây là hàng chính hãng nhưng được xách tay. Vì không phải nộp thuế, phí cho nên giá bán rẻ hơn từ một phần hai đến hai phần ba giá so với giá gốc cho khách hàng. Đơn cử như nước hoa Valentino giá chính hãng bốn triệu đồng, hàng xách tay chỉ 1,4 triệu đồng; mắt kính Rayban chính hãng giá tám triệu đồng, cửa hàng bán chỉ 3,5 triệu đồng… Mặt hàng điện tử xách tay là sản phẩm được nhiều “tín đồ” công nghệ săn lùng. Tại cửa hàng điện thoại H. (phố Trần Quang Khải, quận 1), nhân viên tư vấn hai dòng điện thoại xách tay và công ty. “Hàng xách tay rẻ hơn hàng công ty từ bốn đến năm triệu đồng, chế độ bảo hành cũng như chính hãng” – nhân viên nói. Khi hỏi về xuất xứ, nhân viên khẳng định là chính hãng của Mỹ, đi đường tàu biển về, có thể truy xuất thông tin từ mã code cho nên khách không phải lo lắng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, sở dĩ hàng xách tay có sức hấp dẫn là do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay. Thị trường hàng xách tay hoạt động công khai, tràn lan không phải chỉ là trong một, hai năm gần đây mà đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Khi được hỏi về việc sắp tới hàng xách tay sẽ bị xử phạt nặng và bị xem là hàng lậu nếu không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, một người chuyên bán hàng xách tay không tỏ ra lo lắng mà còn cho rằng trước giờ ai kinh doanh hàng xách tay đều “mặc định” là bán hàng lậu, khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không có hóa đơn, chứng từ chắc chắn bị xử lý theo quy định. Để yên ổn làm ăn, người bán rất ít trưng bày hay trữ hàng hóa xách tay ở cửa hàng, thậm chí là vỏ hộp. Cửa hàng chủ yếu là hàng có giấy phép hòng qua mặt cơ quan chức năng. Chỉ khi khách hỏi thì mới đưa sản phẩm ra.
Theo Nghị định 98, hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo… cũng được xếp vào diện hàng lậu. Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan… cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu. Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Đặc biệt, theo nghị định này, mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc… có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh nhìn nhận, dù đã có quy định xử phạt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ… nhưng do vài năm nay, tình trạng hàng nhập lậu, hàng xách tay quá nhiều cho nên cần có quy định xử phạt cụ thể hơn. Do đó, Nghị định 98 thực chất là cụ thể hóa hơn các quy định trong Nghị định 185 về xử phạt trong lĩnh vực thương mại, buôn lậu… hiện hành. “Trước đây, khi chưa có Nghị định 98, lực lượng quản lý thị trường xử phạt đối với hàng hóa xách tay không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Nghị định mới quy định rõ hơn về mức độ xử phạt để áp dụng” – ông Linh nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG VY